Thép được ví như “bánh mì” của ngành công nghiệp và từ cuối năm 2021 đến nay giá thép đã liên tục tăng phi mã. Cùng với giá xi măng và giá xăng dầu, giá cả nhiều hàng hóa khác cũng liên tục bị đẩy lên.
Mục lục
Giá sắt thép xây dựng tăng 3 lần chỉ trong 15 ngày
Trong 2021 vừa qua, giá sắt thép xây dựng đã tăng khoảng 11 lần và chỉ giảm nhẹ 2 lần, khiến mức giá bán lẻ tăng đến 40 – 60% so với năm 2020 – lên mức 18 triệu đồng/tấn, có lúc gần 20 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, bước sang năm 2022 thì đà tăng còn khủng khiếp hơn – xấp xỉ 20 triệu đồng/tấn! Cụ thể, chỉ tính từ đầu năm đến nay, giá thép cây đã có đến 6 lần tăng giá. Lần tăng cao nhất là ngày 15/3 với mức tăng 600.000 đồng/tấn, trong khi các lần tăng giá trước đó đều dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/tấn.
Không kém cạnh, giá thép cuộn cũng tăng chóng mặt và chốt mức tăng 150.000 đồng/tấn cuối năm 2021. Từ đầu năm 2022, giá thép cuộn xây dựng đã tăng giá 7 lần, lần tăng nhẹ nhất là ngày 8/1 với 50.000 đồng/tấn, càng về sau thì càng phi mã và “chạm đỉnh” ngày 15/3 với 600.000 đồng/tấn.
Chỉ tính riêng từ đầu tháng 3 đến nay – tức chỉ trong vòng 15 ngày, giá thép cuộn đã trải qua 3 lần tăng giá với tổng mức tăng là 1,5 triệu đồng/tấn. Tổng cộng từ đầu năm, giá thép cuộn xây dựng đã “đội giá” lên 2,45 triệu đồng/tấn.
Tưởng chừng như giá sắt thép xây dựng tăng cao sẽ là “thời cơ” để các doanh nghiệp ngành thép tiêu thụ tốt lượng hàng tồn kho (trong đó Hòa Phát nắm trong tay tới 42.000 tỷ tồn kho). Cùng với tình trạng Nga – EU, Mỹ cấm vận lẫn nhau mở ra cơ hội trải rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, EU và các nước trên thế giới.
Thế nhưng, giá than theo đà tăng phi mã do xung đột Nga – Ukraine cũng “điểm huyệt” các cơ hội trên của doanh nghiệp thép. Do giá than chiếm tới 25 – 30% giá thành sản xuất thép nên việc giá than tăng chạm mức kỷ lục 368 USD/tấn sẽ ảnh hưởng lớn đến giá sắt thép.
CẬP NHẬT GIÁ SẮT THÉP XÂY DỰNG HÔM NAY
Giá xi măng theo đà tăng từ 20/3
Tiếp nối tình trạng giá sắt thép xây dựng không ngừng tăng cao, giá xi măng cũng được nhiều doanh nghiệp thông báo sẽ tăng từ ngày 20/3. Mang đến áp lực rất lớn cho các nhà thầu xây dựng trong việc triển khai xây dựng công trình.
Theo dự báo, từ nay đến hết quý II, giá sắt thép xây dựng, giá xi măng… sẽ khó giảm xuống, thậm chí còn tiếp tục tăng cao do nhiều công trình đầu tư công quy mô lớn bắt đầu tái khởi động.
Thậm chí có thể tiếp tục tăng giá hoặc neo cao trên mức 20 triệu đồng/tấn thêm 1 thời gian, cho đến khi những bất ổn về nguồn cung, chi phí logistics và đặc biệt là giá xăng dầu ổn định hơn.
Trên thực tế, đầu năm tháng 2 – 3 âm lịch được xem là thời điểm vàng để khởi động “mùa xây dựng”. Tuy nhiên, việc giá vật liệu tăng cao đang làm đau đầu nhiều nhà thầu cũng như người dân có nhu cầu xây nhà.
Nếu giá sắt thép xây dựng, giá xi măng và nguyên vật liệu chỉ tăng nhẹ hoặc tăng trong thời gian ngắn thì nhà thầu và chủ đầu tư vẫn xoay sở được. Nhưng nếu về lâu về dài, việc giá vật liệu xây dựng không ngừng tăng cao sẽ khiến chủ đầu tư bị thua lỗ nặng, thậm chí là “đắp chiếu” dự án.
Đối với công trình tư, các nhà thầu và chủ dự án cần ngồi lại với nhau để xem xét biến động giá và điều chỉnh hợp đồng xây dựng cho phù hợp. Còn đối với công trình đầu tư công, nhiều nhà thầu sẽ chấp nhận dừng dự án chịu phạt, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Giá cổ phiếu vật liệu xây dựng tăng bứt phá
Việc giá vật liệu xây dựng tăng phi mã đã kéo theo giá cổ phiếu của ngành này tăng vọt.
Trong ngành thép, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen đã tăng hơn 113% trong 1 năm qua, nhất là trong thời gian từ tháng 11/2020 đến giữa tháng 10/1021, đã tăng liên tục từ 18.000 đồng/cổ phiếu lên tới 49.850 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu POM của Công ty thép Pomina cũng tăng gần 76% trong 1 năm qua từ hơn 8.000 đồng/cổ phiếu lên tới 15.500 đồng/cổ phiếu.
Tăng mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu DTL của Công ty Đại Thiên Lộc khi tăng 523% từ 5.650 đồng lên tới 35.200 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu NKG của Công ty thép Nam Kim khi cũng tăng gần 260% từ 11.800 đồng lên 42.400 đồng/cổ phiếu.
Trong ngành xi măng, cổ phiếu BTS của Công ty Xi măng Vicem Bút Sơn cũng tăng khủng 155% từ 4.500 đồng lên 11.500 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BCC của Công ty Xi măng Bỉm Sơn cũng tăng mạnh hơn 232% chỉ trong vòng 1 năm qua…
Theo thống kê trên thị trường, hầu hết giá cổ phiếu thép, xi măng (trừ HPG) đều tăng cao hơn nhiều so với mức tăng chung của thị trường là hơn 46% trong 1 năm qua.
Trong quý 3 năm 2021, việc giãn cách đã khiến các hoạt động xây dựng bị tạm dừng và nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh. Nhưng đến cuối tháng 9 và đầu tháng 10, các tỉnh, thành phố đã đồng loạt nới lỏng giãn cách giúp các hoạt động xây dựng khôi phục trở lại.
Từ đó, nhu cầu về thép sẽ tăng mạnh trong quý 4, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong nước tháng 10/2021 đạt 782.000 tấn (tăng 28% so với năm ngoái). Quý 4 cũng thường có sản lượng tiêu thụ thép lớn nhất, do có nhiều hoạt động xây dựng diễn ra nhộn nhịp nhất, nhất là các công trình dân dụng cần hoàn thành trước Tết.
Nhu cầu tăng mạnh này chính là “trụ đỡ” cho cổ phiếu thép tăng vọt.